Chọn cấu hình máy để tự xây dựng một bộ NAS

NAS (Network Attached Storage) là thiết bị chuyên dụng để lưu trữ dữ liệu như các file văn bản, excel, hình ảnh, video… thông qua môi trường mạng TCP/IP, sử dụng các giao thức như SMB, NFS, AFS… Trên thị trường có bán rất nhiều bộ NAS được xây dựng sẵn, chúng thường có giá thành tương đối cao hoặc ít khả năng mở rộng được ổ cứng vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng một máy tính có cấu hình thấp hoặc một máy tính cũ có sẵn để xây dụng một bộ lưu trữ NAS với các ứng dụng nguồn mở như FreeNAS, NAS4free, Openfiler… Khi cần thiết bạn có thể sử dụng thiết bị này như một bộ SAN với dịch vụ như iSCSI. Về cấu hình máy cho NAS bạn có thể thực hiện theo gợi ý sau:

Bộ xử lý (CPU), nếu xây dựng một máy tính mới, bạn có thể chọn cấu hình thấp. Thay vì dùng CPU chip core i, bạn có thể dùng các CPU Pentium (tất nhiên là các thế hệ sau này) với giá thành thấp hơn rất nhiều, tiêu thụ ít năng lượng và có thể chạy rất bền trong thời gian dài.

Về mainboard, bạn có thể lựa chọn các mainboard tương thích với CPU, ưu tiên cho việc có nhiều kết nối ổ cứng khoảng 6 kết nối. Vì máy chủ yếu là lưu trữ dữ liệu nên việc đáp ứng khả năng mở rộng ổ cứng rất quan trọng. Bạn cũng nên chú ý đến khả năng truyền dữ liệu và chịu dung lượng tối đa của ổ cứng trên các cổng này. Ngoài ra mainboard cũng nên chọn loại có khả năng tự bật lại khi mất nguồn hoặc ít nhất có thể khởi động lại chúng thông quan mạng (Wake on LAN).

Dung lượng RAM, để việc truy xuất và ghi dữ liệu ổn định bạn cũng nên chú ý đến dung lượng RAM, tối thiểu nên là 8GB.

Card mạng LAN, thông thường card mạng bây giờ đều là 1Gb vì vậy bạn nên chú ý đến việc kết nối đến switch cũng nên dùng loại switch có cổng 1Gb để có thê dùng tối đa khả năng của card mạng. Ngoài ra nếu kết hợp với các công nghệ cân bằng tải và tăng tải, bạn có thể gắn thêm card cho máy.

Thùng máy, bạn nên chọn loại thùng tốt, có khả năng chứa được nhiều ổ cứng, có khả năng gắn thêm quạt tản nhiệt tại khu vực gắn các ổ cứng, vì khi hoạt động đồng loạt nhiều ổ cứng thì nhiệt lượng tỏa ra rất lớn, làm ảnh hưởng đến độ bền cũng như khả năng truy xuất dữ liệu của chúng.

Một yếu tố rất quan trọng bạn cần lưu ý đó là bộ nguồn của máy (tính bằng Watt viết tắt là W):

  • Để cấp nguồn cho hoạt động bình thường của mainboard, CPU, và 2 thanh RAM thì ta cần nguồn đáp ứng tối đa khoảng 110W.
  • Một ổ cứng sẽ tiêu thụ 25W, như vậy nếu có 5 ổ cứng thì tương đương mức tiêu thụ sẽ là 125 W.
  • Một quạt tản nhiệt sẽ tiêu thụ 3W.
  • Một card mở rộng ở các khe PCI có thể có mức tiêu thụ từ  12W đến 65W.

Như vậy, khi tăng ổ cứng, card mở rộng và quạt tản nhiệt bạn sẽ phải tính toán lại nguồn cho máy. Bạn nên chọn những bộ nguồn có uy tín và được chứng thực tem công suất thực.

Về ổ cứng, bạn có thể chọn bất cứ loại ổ cứng nào mà bạn có thể trong tầm gia mình có thể chấp nhận được. Nên chọn đồng bộ để tối ưu hóa tốc độ ghi đọc dữ liệu. Bạn có thể sử dụng các công nghệ RAID để giúp tăng khả năng chống chịu lỗi mà chống việc mất dữ liệu khi có ổ cứng bị hỏng.

Trên đây là việc bạn sẽ lắp đặt một máy tính mới, ngoài ra bạn có thể dùng các máy tính cũ và cách tính toán cũng tương tư như vậy. Đối với các các máy tính cũ có quá ít cổng kết nối ổ cứng trên mainboard bạn có thể sử dụng các loại card mở rộng để tăng số lượng ổ cứng cần thiết.

Về công nghệ RAID, bạn có thể dùng công nghệ RAID có trên mainboard hoặc có trên các card mở rộng ổ cứng. Xong trong hầu hết các phần mền tạo NAS, người ta đã tích hợp sẵn công nghệ RAID mềm.

Hãy chia sẻ nếu thích bài viết

Bài có liên quan