Trong khi phân vùng ổ cứng, thiết bị lưu trữ, chúng ta phải lựa chọn loại hệ thống tập tin phù hợp cho từng hệ điều hành.
Hệ thống tập tin là gì?
File system hay hệ thống tập tin có chức năng tổ chức và kiểm soát các tập tin và siêu dữ liệu tương ứng, được lưu trên ổ đĩa nhằm cho phép truy cập nhanh chóng và an toàn.
Hệ thống tập tin sắp xếp dữ liệu được lưu trên đĩa cứng của máy tính, kiểm soát thường xuyên vị trí vật lý của mọi thành phần dữ liệu trên đĩa trong khi vẫn cho phép người dùng truy cập nhanh chóng và an toàn khi cần thiết.
Hệ thống tập tin làm việc như một hệ chỉ mục số, cho phép máy tính nhanh chóng tìm thấy một tập tin nào đó, bất chấp kích thước hay cấu hình của ổ đĩa lưu trữ cũng như vị trí lưu trữ của các byte dữ liệu nằm ở đâu trên đĩa.
Trên mỗi hệ điều hành Windows, Linux, MAC OS X có những hệ thống tập tin khác nhau.
Các dạng hệ thống tập tin
Hệ thống tập tin của Windows
FAT: File Allocation Table bao gồm FAT 12, FAT 16 và FAT 32:
FAT 12: được dùng cho ổ đỉa mềm, ổ đỉa có dung lượng từ 32MB trở xuống. FAT12 sử dụng 12 bit để đếm nên chỉ có khả năng quản lý các ổ đỉa có dung lượng thấp hơn 32Mb với số lượng cluster thấp. Số lượng tập tin tối đa có thể chứa là 4096, dung lượng tối đa một tập tin là 2MB.
FAT 16: hệ thống tập tin FAT (FAT16 – để phân biệt với FAT32) được công bố vào năm 1981 đưa ra một cách thức mới về việc tổ chức và quản lý tập tin trên đỉa cứng, đỉa mềm. Tuy nhiên, khi dung lượng đỉa cứng ngày càng tăng nhanh, FAT16 đã bộc lộ nhiều hạn chế. Với không gian địa chỉ 16 bit, FAT16 chỉ hỗ trợ đến 65.536 cluster trên một partition, gây ra sự lãng phí dung lượng đáng kể (đến 50% dung lượng đối với những ổ đỉa cứng trên 2 GB). Số lượng tập tin tối đa có thể chứa là 65.536, dung lượng tối đa 1 tập tin là 2 GB.
FAT 32: được xem là phiên bản mở rộng của FAT16. Do sử dụng không gian địa chỉ 32 bit nên FAT32 hỗ trợ nhiều cluster trên một partition hơn, do vậy không gian đỉa cứng được tận dụng nhiều hơn. Ngoài ra với khả năng hỗ trợ kích thước của phân vùng từ 2GB lên 2TB và chiều dài tối đa của tên tập tin được mở rộng đến 255 ký tự đã làm cho FAT16 nhanh chóng bị lãng quên. Tuy nhiên, nhược điểm của FAT32 là tính bảo mật và khả năng chịu lỗi (Fault Tolerance) không cao. Số lượng tập tin tối đa có thể chứa là 268.435.437, dung lượng tối đa 1 tập tin là 4 GB.
NTFS: New Technology File System là hệ thống tập tin tiêu chuẩn của Windows NT, bao gồm cả các phiên bản sau này của Windows như Windows 2000 trở về sau này. NTFS thay thế hệ thống tập tin FAT vốn là hệ thống tập tin ưa thích cho các hệ điều hành Windows của Microsoft. NTFS có nhiều cải tiến hơn FAT như hỗ trợ cải tiến cho các siêu dữ liệu và sử dụng các cấu trúc dữ liệu tiên tiến để cải thiện hiệu suất, độ tin cậy, và sử dụng không gian ổ đỉa, cộng thêm phần mở rộng như các danh sách kiểm soát truy cập bảo mật (access control list-ACL) và bản ghi hệ thống tập tin. Số lượng tập tin tối đa trong 1 phân vùng 4.294.967.295 (2^32 − 1), hổ trợ tối đa dung lượng ổ đỉa là 16 EiB (Exbibyte, 1 EiB = 1.073.741.824 gigabytes) trên thực tế là 256 TiB (tebibyte, 1 TiB = 1,024 gibibytes)
exFAT: Extended File Allocation Table được thiết kế đặc biệt cho các ổ flash USB. Hổ trợ trên các Windows Vista trở về sau này, trước đó như Windows XP phải cài gói KB955704 mới có thể đọc được.
Hệ thống tập tin trên các hệ điều hành khác
Hệ thống tập tin trên Linux: hệ thống tập tin được dùng là Ext (Extended file system) có tất cả 4 phiên bản ext, ext2, ext3 và ext4.
Hệ thống tập tin trên MAC OS X: hệ thống tập tin của hệ điều hành này là HFS Plus, HFS là viết tắt của Hierarchical File System.
Sự tương thích giữa các hệ thống tập tin và các hệ điều hành
Đối với các dạng hệ thống tập tin của Microsoft thông thường các hệ điều hành như Linux, OS X… có thể hổ trợ sẵn việc đọc những loại đỉa có định dạng của Mirosoft, thế nhưng Microsoft thì ngược lại, nếu muốn đọc các phân vùng định dạng của OS X và Linux thì cần phải cài thêm các gói phần mềm hổ trợ ví dụ như Ext2Fsd hay DiskInternals Linux Reader…