Chiếc máy tính ổn định bao giờ cũng là một mong muốn của người sử dụng chúng. Ngoài việc chọn lựa các phần cứng tốt nhất, thì để giữ được máy tính chạy ổn định phụ thuộc rất nhiều vào cách mà chủ nhân của nó bảo quản nó như thế nào và cài đắt các hệ điều hành và ứng dụng ra sao.
Cài đặt hệ điều hành:
Hệ điều hành là nền tảng để các ứng dụng chạy trên nó, có một hệ điều hành ổn định cũng quyết định rất nhiều đến độ ổn định của chiếc máy tính của bạn. Thông thường, trên máy tính, chúng ta sẽ sử dụng hệ điều hành Windows của Microsoft.
Để có hệ điều hành cho máy, rất nhiều người dùng chọn giải pháp sử dụng các bản image được tạo sẵn (hay từ bình thường gọi là bản ghost đa cấu hình) vì sợ tốn công cài đặt hoặc khi mua ở tiệm về đã được bung sẵn ra. Việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào? Các image này thường được tích hợp sẵn các phần mềm và tích hợp một lượng lớn driver để nó phù hợp với nhiều máy tính khác nhau. Điều này khiến cho máy tính của bạn có thể gánh thêm một số dung lượng không cần thiết, chưa kể đến những driver và những phần mền không cần thiết sẽ ảnh hưởng không ít đến khả năng hoạt động của máy tính, tốt nhất bạn có dùng nếu có thể thì nên dùng bản không tích hợp driver. Đối với các máy tính cũ thì bạn có thể chọn giải pháp này cho đơn giản hóa quá trình cài đặt.
Phương pháp tự cài hệ điều hành, đây là giải pháp tôi cho là tốt nhất, vì bạn sẽ có được các hệ điều với các driver phù hợp với máy mình nhất và các ứng dụng vừa đủ dùng mà không có các phần thừa thải. Việc này giúp máy tính bạn sử dụng tốt nhất tài nguyên, đảm bảo hiệu năng cho máy.
Một câu hỏi thêm nữa được đặt ra ở đây là nên chọn Windows nào? Thông thường chúng ta sẽ chọn hệ điều hành theo thói quen sử dụng của bản thân, điều này giúp bạn có thể thuận lợi khi sử dụng do đã quen, nhưng nhược điểm là có khả năng không tận dụng được hết sức mạnh phần cứng của máy tính. Vậy chúng ta nên chọn như thế nào? Câu trả lời là bạn nên cài hệ điều hành ra đời cùng thời điểm với thời điểm mà phần cứng của máy tính bạn được sản xuất. Lấy ví dụ, bạn mua máy tính laptop mới vào thời điểm 2016 này, tại thời điểm Windows 8.1 và Windows 10 đang thịnh hành, thì máy tính của bạn nên sử dụng các hệ điều hành này thay vì là Windows 7 mặc dù máy có thể hổ trợ Windows 7. Vì sao lại vậy? Đơn giản là vì các hệ điều hành này hỗ trợ phần cứng của máy bạn tốt hơn và nó được tối ưu để chạy trên những thế hệ phần cứng này.
Cài đặt trình điều khiển phần cứng (hay còn gọi là Driver):
Khi bạn mua máy tính hoặc phần cứng máy tính như mainboard, card đồ họa…, hãng cung cấp có thể kèm theo cho bạn CD chứa driver. Bên cạnh đó, bạn hoàn toàn có thể tải driver mới nhất được hãng sản xuất cập nhật trên website hỗ trợ của họ, khuyến nghị bạn nên dùng các driver mới nhất này.
Bên cạnh việc tự cài driver, thì bạn có thể dùng các phần mền tự quét, tìm kiếm các diver và tự động cài đặt như Drivermax, Driver Easy… Máy tính của bạn chỉ cần đươc cài đặt driver card mạng (LAN hoặc Wifi) thì phần mền sẽ tự động làm tất cả. Rõ ràng đây cũng là cách làm rất nhanh, nhưng có thể driver được tải về không phải là mới nhất hoặc có thể bị sai trong quá trình nhận diện phần cứng.
Cài đặt các ứng dụng:
Bạn phải xác định được và liệt kê ra những ứng dụng cần thiết cho việc sử dụng hằng ngày, tránh tình trạng cài đặt vô tội vạ mà không dùng đến làm chiếm tài nguyên, có những ứng dụng còn kèm theo các dịch vụ khởi động chung với máy tính, làm cho máy tính khởi động chậm hơn, và khi khởi động lên thì các ứng dụng này cũng đang âm thầm sử dụng các tài nguyên như RAM, CPU… làm ảnh hưởng đến các ứng dụng khác. Tốt nhất bạn nên lên danh sách các ứng dụng cần thiết, thông thường một người dùng sẽ cần những ứng dụng như sau: Office (Mirosoft Office hoặc các bộ Office nguồn mở): Word, Excel, PowerPoint…,Font chữ, bộ gõ tiếng Việt (Unikey hoặc Gõ Tiếng Việt…), chọn một trong các phần mền đọc file PDF (Foxit Reader, Adobe Acrobat…), trình duyệt web (Chrome, Firefox…), ứng dụng chuyên ngành (Photoshop, Autocad, VMware…) nếu như bạn thường xuyên dùng đến nó. Bạn không nên cài đặt hai hay nhiều ứng dụng cùng chức năng để làm gì, ví dụ cùng lúc cài FoxitReader và Acrobat chỉ để đọc file pdf, như vậy rất phí phạm tài nguyên. Đối với các ứng dụng chat như Skype, để không cần mất công cài đặt, bạn có thể dùng webapp.
Cài đặt phần mềm Anti Virus:
Phẩn mềm Anti Virus cũng hết sức quan trọng, để bạn có thể sử dụng máy tính an toàn hơn khi cắm ra vào các ổ USB, truy cập các website, truy cập email và tránh mất cắp dữ liệu. Có một số virus máy tính khi tấn công cũng âm thầm sử dụng các tài nguyên trên máy tính bạn, vì vậy phần mềm Anti Virus cũng hết sức quan trọng. Bạn có thể dùng các bản miễn phí như AVG , Avira… hoặc các phiên bản trả tiền của Kaspersky hay các hãng như đã nói, tốt nhất là nên dùng phiên bản có trả tiền vì bạn chỉ có mất chừng 200.000 đồng trên một năm, số tiền không lớn nhưng hiệu quả.
Tạo ảnh đĩa backup hệ điều hành:
Sau khi cài đặt xong máy bao gồm hệ điều hành, driver, các ứng dụng và phần mềm Anti Virus thì bạn nên tạo một bản ảnh đĩa backup, điều này sẽ giúp bạn có thể phục hồi lại phân vùng chứa hệ điều hành nhanh chống mà không cần cài đặt lại từ đâu khi có sự cố. Bạn có thể thiết lập việc phục hồi này một cách tự động chỉ cần vài cái ấn phím.
Bảo dưởng định kỳ:
Máy tính cũng như chiếc xe của bạn, nó cũng cần bảo dưởng định kỳ. Bạn cần làm vệ sinh thổi bụi sạch sẽ các linh kiện bên trong máy, nguồn, các bộ phận tản nhiệt và các quạt tản nhiệt trên thùng máy, bôi keo tản nhiệt vào cho CPU, GPU trên card màn hình (nếu có), việc này nên tiến hành ba hoặc sáu tháng một lần. Sử dụng các phần mềm chống phân mảnh ổ đĩa nếu bạn đang dùng HDD, kiểm tra loại bỏ các phần mêm không cần thiết, tắt các ứng dụng khởi động cùng hệ điệu hành, thậm chí phục hội lại hệ điều hành như nói ở trên nếu cần thiết… Việc này sẽ giúp máy tính bạn duy trì tính ổn định.